Nhiều người trẻ từ bỏ giấc mơ sở hữu nhà
Trong bối cảnh giá bất động sản liên tục leo thang, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội hay Tp.HCM, việc sở hữu nhà ở từ sớm ngày càng trở thành thách thức với người trẻ. Tuy nhiên, một số cá nhân đã chứng minh rằng điều này không phải là bất khả thi.
Một ví dụ điển hình là Ngô Nguyệt (25 tuổi, Tp.HCM) là một trong số ít người trẻ hiện thực hóa được giấc mơ an cư ở tuổi 23, mà không cần vay ngân hàng. Cô áp dụng nguyên tắc tài chính 50/30/20 ngay từ khi mới đi làm, đồng thời làm nhiều công việc tự do cùng lúc để tối ưu thu nhập.
Thay vì đầu tư mạo hiểm, Nguyệt dành thời gian nghiên cứu tài chính cá nhân qua sách và podcast, và sống tối giản, hạn chế chi tiêu cảm tính. Với 400 triệu đồng tích lũy được, cô quyết định mua một ngôi nhà nhỏ ở quê với kế hoạch sửa chữa rồi bán lại kiếm lời. Hiện tại, cô chọn giải pháp thuê nhà tại Tp.HCM và tiếp tục tích lũy để hướng tới mục tiêu dài hạn.
Câu chuyện của Nguyệt là minh chứng cho thấy, nếu có định hướng tài chính rõ ràng và kỷ luật cao, người trẻ vẫn có thể tự chủ được hành trình an cư. Tuy nhiên, đây là một ngoại lệ, không phải mẫu số chung.
Dù đã có chính sách hỗ trợ, giấc mơ an cư của người trẻ vẫn xa vời.
Chị Hoàng Thu Thảo Nhi (31 tuổi), hiện đang sinh sống cùng chồng và hai con nhỏ tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết dù tổng thu nhập hai vợ chồng dao động từ 30–50 triệu đồng/tháng, họ vẫn xác định sẽ ở thuê lâu dài thay vì cố mua nhà.
"Từ lúc ra trường (cao đẳng) đi làm là bắt đầu tiết kiệm, hơn 10 năm nay vẫn chưa tích nổi 1 tỷ đồng. Mua nhà nội thành thì giá quá cao, mà ở xa thì bất tiện cho việc đi làm, con cái đi học" chị chia sẻ.
Chị Thảo Nhi và chồng sau nhiều năm cân nhắc kỹ lưỡng đã quyết định không chạy theo giấc mơ sở hữu nhà trong thời điểm này mà chọn phương án thuê nhà tại phường Nhân Chính để đảm bảo tiện lợi cho công việc và việc học hành của hai con nhỏ dù giấc mơ sở hữu một tổ ấm riêng vẫn luôn canh cánh trong lòng.
Theo chị, việc cố gắng mua một căn nhà trong nội thành với giá cả quá cao sẽ tạo áp lực tài chính lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình.
Thay vì dồn hết vốn tích lũy cho một món tài sản bất động sản có giá cao và gánh nặng trả nợ ngân hàng, chị và chồng ưu tiên duy trì sự ổn định bằng cách thuê nhà, đồng thời lựa chọn đầu tư vào vàng như một kênh tích trữ tài sản an toàn và linh hoạt hơn. Vàng giúp gia đình chị bảo toàn giá trị tiền vốn trong bối cảnh thị trường biến động, đồng thời dễ dàng chuyển đổi khi cần.
Không chỉ riêng chị Thảo Nhi, mà rất nhiều người trẻ hiện nay cũng đang đối mặt với những khó khăn tương tự khi tìm kiếm cơ hội sở hữu nhà ở riêng.
Dù đã tích góp, cố gắng trong nhiều năm làm việc, đa phần vẫn chưa thể gom đủ vốn để mua nhà, nhất là ở các khu vực nội thành với giá bất động sản ngày càng tăng cao. Việc tự mua được nhà trước tuổi 30 ở thời điểm hiện tại vẫn là điều rất hiếm hoi và gần như là một câu chuyện đặc biệt, không phải là thực tế phổ biến đối với đại đa số giới trẻ.
Nhiều người vẫn phải chấp nhận lựa chọn thuê nhà dài hạn, xoay xở trong bối cảnh thu nhập không tăng nhanh, trong khi giá nhà lại vượt xa khả năng tích lũy cá nhân.
Gỡ áp lực tài chính
Để giấc mơ sở hữu nhà không chỉ là "đặc quyền" của một số ít, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ phía Nhà nước, thị trường tài chính, và doanh nghiệp bất động sản.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng các chính sách bài bản để giúp người trẻ an cư, TS. Cấn Văn Lực cho biết nhiều nước đã triển khai hiệu quả các mô hình hỗ trợ người dân an cư.
Singapore là ví dụ điển hình với hệ thống nhà ở công (HDB) chiếm hơn 80% nguồn cung, Chính phủ trực tiếp đầu tư xây dựng và trợ cấp cho người mua nhà lần đầu, đặc biệt là các cặp đôi trẻ, đi kèm chính sách vay ưu đãi.
Nhật Bản phát triển nhà cho thuê dài hạn, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư và vận hành. Đức có mô hình quỹ nhà ở xã hội được vận hành bởi các tổ chức phi lợi nhuận.
Từ những kinh nghiệm này, ông Lực nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng một quỹ nhà ở quốc gia có vốn mồi từ ngân sách và cơ chế huy động xã hội hóa, tập trung hỗ trợ đúng đối tượng, minh bạch và có giám sát hiệu quả.
Những mô hình quốc tế này cho thấy, giải bài toán nhà ở cho người trẻ không chỉ là xây thêm nhà giá rẻ, mà cần cả một hệ sinh thái chính sách đồng bộ từ tín dụng, thuế, cơ chế vay vốn cho đến các mô hình linh hoạt như thuê mua, sở hữu một phần.
Chủ tịch VARS lưu ý người trẻ về việc mua nhà có thể biến thành gánh nặng tài chính kéo dài hàng chục năm, khiến người trẻ dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, ngay cả với những người có thu nhập khá với các chức vụ cao, việc mua nhà ở nội đô tại nhiều thành phố lớn vẫn rất khó khăn.
Theo ông, nếu không tính toán kỹ, việc mua nhà có thể biến thành gánh nặng tài chính kéo dài hàng chục năm, khiến người trẻ dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Ông khuyến nghị, với những người chưa đủ tiềm lực, nên cân nhắc phương án thuê nhà, tích lũy dần và mua theo lộ trình bắt đầu từ căn hộ nhỏ, giá hợp lý rồi nâng cấp sau.
Ngoài ra, ông Đính cảnh báo về phía các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt dòng tiền đầu tư vào bất động sản để tránh đầu cơ, giữ giá nhà ở mức hợp lý cho người có nhu cầu thực, đặc biệt là người trẻ.
Ở góc độ chính sách, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thừa nhận rằng người trẻ hiện đang gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận nhà ở.
Ông cho rằng cần sớm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đặc biệt trong xác định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng. Việc triển khai hiệu quả Nghị định 75/2025 cũng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ chế mới để phát triển dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, các mô hình thuê dài hạn, thuê mua cũng cần được khuyến khích, cùng với việc xem xét điều chỉnh chính sách thuế như cho phép khấu trừ một phần lãi vay khỏi thu nhập chịu thuế hay nâng mức giảm trừ gia cảnh, những giải pháp tài chính gián tiếp nhằm giảm áp lực chi phí hàng tháng cho người mua nhà lần đầu.
Các mô hình thuê dài hạn, thuê mua cũng cần được khuyến khích.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cũng đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế hỗ trợ người trẻ từ 18 – 45 tuổi vay mua nhà đầu tiên với mức lãi suất thương mại hợp lý (6 – 7%/năm), thời hạn vay từ 10 – 15 năm và bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó.
Mục tiêu là thúc đẩy phân khúc nhà ở thương mại giá dưới 35 triệu đồng/m2, tổng giá trị không quá 3 tỷ đồng, phù hợp với thu nhập trung bình của người trẻ hiện nay.
Link nội dung: https://www.nhipsongdothi.info/nguoi-tre-mua-nha-khong-phai-cuoc-choi-ca-nhan-can-ban-tay-nha-nuoc-va-thi-truong-246223.html